Cây Chuối - chi Musa

Chuối là tên gọi các loài cây thuộc chi Musa có thân thảo lớn và là cây
mang lại nguồn thu chủ yếu cho phần đông cư dân tại các vùng ẩm trên thế giới.
Đại đa số các giống chuối trồng thuộc thể tam bội, loài Eumusa, họ Musaceae.
Việt Nam nằm trong khu vực khởi nguyên cây chuối, do vậy chúng ta có một
nguồn tài nguyên di truyền cây chuối rất phong phú bao gồm giống chuối trồng,
chuối bán hoang dại và chuối hoang dại (Nguyễn Đăng Khôi, 1997). Ở nước ta,
chuối là cây ăn quả quan trọng, đứng hàng đầu về diện tích và sản lượng. Đã từ
lâu, chuối được trồng khắp từ Bắc vào Nam và là nguồn hydrat cacbon, đường và
vitamin quan trọng trong đời sống hàng ngày; là mặt hàng có giá trị kinh tế đối
với thị trường trong nước cũng như trên thế giới.


Tại Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến
năm 2010, tầm nhìn 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuối
được xác định là loại cây ăn quả xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo quy hoạch,
đến năm 2020, tổng sản phẩm chuối quả xuất khẩu tương đương dứa đạt 100
ngàn tấn và kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng sau dứa và thanh long đạt 35 triệu
USD (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2007).
Tuy nhiên sản xuất chuối ở nước ta gặp nhiều trở ngại do các bệnh gây hại
đặc biệt là bệnh héo vàng do nấm Fusarium (hay còn gọi là bệnh héo vàng
Panama, bệnh héo rũ) do nấm Fusarium oxysporum f.sp. cubense (Foc) gây ra.
Bệnh thường gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây nhưng mạnh nhất
là giai đoạn cây trưởng thành, ra hoa, tạo quả làm cho cây bị héo vàng rồi chết.
Theo FAO, dịch bệnh này đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất
và xuất khẩu chuối ở nhiều nước trên thế giới, tác động xấu đến chuỗi giá trị và
sinh kế của người nông dân.
Ở Việt Nam, bệnh này phát sinh ở hầu hết các địa phương trồng chuối trong
phạm vi cả nước, người trồng chuối còn ít hiểu biết về bệnh và bệnh đang có xu
hướng lan rộng. Nấm gây bệnh này được chia thành 4 chủng dựa trên việc gây
bệnh trên các giống, loài chuối khác nhau. Chủng 1 và chủng 2 gây hại các giống
chuối Lady Finger, Gross Michel và đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành
công nghiệp chuối xuất khẩu ở Trung và Nam Mỹ các năm nửa đầu thế kỷ 20.
Sau đó, để hạn chế tác hại của nấm, người ta đã thay giống Gross Michel bằng2
các giống thuộc nhóm Cavendish (chuối tiêu) kháng với chủng 1 và chủng 2.
Nhờ đó, ngành công nghiệp chuối xuất khẩu được phục hồi ở các nước này. Tuy
nhiên, gần đây đã xuất hiện chủng 4 gây hại ở hầu hết các giống chuối kể cả các
giống thuộc nhóm Cavendish, nhóm chuối chính được trồng để xuất khẩu trên
thế giới. Chủng 4 đã từng phá hủy 23.000ha chuối Cavendish ở Đài Loan những
năm 70 của thế kỷ hai mươi (Su et al., 1977) và các đồn điền trồng chuối ở các
nước: Philippine, Indonesia, Malaysia, Australia, Nam Phi, Canary Islands
(Bentley et al., 1998).

Ở Việt Nam nhiều nghiên cứu giai đoạn trước năm 2013 đều xác định bệnh
héo vàng chỉ hại trên chuối tây và do nấm Foc chủng 1 (Nguyễn Văn Khiêm,
2000). Song điều đáng quan ngại là trong những năm gần đây bệnh héo vàng trên
chuối tiêu do chủng 4 đang lan rộng ở các nước trồng chuối trên thế giới và trong
khu vực trong đó có các tỉnh phía Nam Trung Quốc do đó nguy cơ lây bệnh ở
nước ta là rất cao.

BOOKS NÔNG NGHIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét